Nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 17/2/2020 của Thành Ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII); ngày 9/4/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 2335/KH-UB về việc triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
I. Mục đích
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Xác định những mục tiêu trước mắt, lâu dài, những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm nhằm bảo đảm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
II. Yêu cầu
- Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, thiên tai cực đoan, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân, mục tiêu phát triển bền vững của thành phố, trong đó xác định rõ: “Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là yêu tố tiên quyết cho sự phát triển KHXT bền vững”.
- Các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong kế hoạch, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.
III. Những nhiệm vụ trọng tâm
Với các yêu cầu đề ra trong giai đoạn mới tại Kế hoạch 111-KH/TU ngày 17/2/2020 của Thành Ủy Đà Nẵng; các chương trình hành động cụ thể đã được UBND thành phố ban hành tại Quyết định 1349/QĐ-UBND ngày 04/03/2014, Quyết định số 3583/QĐ-UBND ngày 03/07/2017; các Sở, ban, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện, với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tổ chức cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
- Triển khai rà soát, xây dựng cập nhật bản đồ vùng nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng, bản đồ rủi ro thiên tai theo các kịch bản BĐKH; Rà soát, cập nhật phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố; nghiên cứu triển khai xã hội hóa công tác phòng chống thiên tai khi có chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.
- Tiếp tục tổ chức đầu tư, hoàn thiện hệ thống đê, kèm các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, bảo đảm an toàn các hồ chưa nước, phát triển thủy lợi; rà soát, hoàn thành công tác tổ chức di dời, bố trí ổn định dân cư tránh vùng thiên tai, sạt lở, lũ quét trên địa bàn thành phố.
- Hàng năm, tổ chức rà soát, hoàn thiện phương án phòng chống theo các kịch bản thiên tai của thành phố (bão, lũ, động đất, sóng thần, cứu hộ, cứu nạn); triển khai công tác diễn tập ứng phó với các kịch bản đề ra; tổ chức đầu tư hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt và thiên tai.
2. Phòng chống, hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Tổ chức kiểm tra, xét duyệt các công trình ven biển về cao trình tối thiểu theo chuẩn quốc gia được cập nhật đề phòng nước biển dâng.
- Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi và đê điều hồ đập, tổ chức kiểm tra, đề xuất sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
- Tổ chức lại sản xuất trên biển, nâng cao hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, gắn với giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia; hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với thực hiện chương trình quốc gia vươn khơi bám biển.
- Tổ chức rà soát, xây dựng quy định các khu quy hoạch đô thị, khu dân cư có bố trí diện tích các hồ sinh thái, hồ điều hòa nhằm tích trữ nước mưa, giảm áp lực cho các hệ thống tiêu, thoát nước thành phố.
- Nghiên cứu, tổ chức xây dựng các quy định và tiêu chí kiến trúc các công trình xét đến hướng nắng, sự hấp thụ nhiệt, khả năng chịu đựng trong điều kiện gió bão mạnh, động đất, tăng diện tích cây xanh trong quy hoạch và kiến trúc đô thị.
3. Giảm phát thải và tăng cường hấp thụ khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên
- Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục rà soát các lĩnh vực sản xuất tiêu thụ năng lượng trên địa bàn, tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu suất để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng theo quy định. Không cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
- Tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao; Giám sát việc tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp, thực hiện việc kiểm toán năng lượng trọng điểm, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
- Triển khai kế hoạch bảo vệ, duy trì và phát triển thảm thực vật ở khu vực đầu nguồn, khu vực núi cao, khu vực có tính phòng hộ vùng và cục bộ.
4. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên
- Đánh giá thực trạng khai thác và đề xuất giải pháp quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố.
- Hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch hành lang bờ biển, xây dựng kế hoạch sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển bền vững.
- Tổ chức rà soát, quy hoạch về phát triển cảng biển gắn với các hoạt động kinh tế biển, khai thác tài nguyên biển trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình khai thác các mỏ khoáng sản có giấy phép, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường trong khai thác.
- Tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch, tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất.
- Tổ chức nghiên cứu, rà soát quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện BĐKH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; lập Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Vu Gia - Thu Bồn.
5. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống
- Tổ chức rà soát, bổ sung xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật; sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và giao thông.
- Thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng và hạ tầng kèm theo để phù hợp xu thế chung của thế giới; tiếp tục khuyến khích sử dụng xe máy điện, bố trí các nơi sạc điện và khu vực ưu tiên cho xe máy điện; tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
- Nghiên cứu, tổ chức xây dựng các quy định và tiêu chí kiến trúc các công trình xét đến hướng nắng, sự hấp thụ nhiệt, khả năng chịu đựng trong điều kiện gió bão mạnh, động đất, tăng diện tích cây xanh trong quy hoạch và kiến trúc đô thị.
- Xây dựng, triển khai chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
6. Triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, hướng đến thành phố sinh thái
- Lồng ghép các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này vào Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030, hướng đến thành phố sinh thái”.
- Tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài, nghiên cứu phân vùng mức độ ô nhiễm, đề xuất biện pháp quản lý, xử lý nhằm nâng cao chất lượng môi trường của thành phố.
- Triên khai chặt chẽ công tác kiểm soát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường không khí; chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
- Khẩn trương tổ chức, hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đặc biệt các công trình xử lý nước thải, chất thải y tế nguy hại.
- Thực hiện tốt Nghị quyết 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2025, cụ thể: triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, vật liệu nhựa dùng 1 lần; tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý triệt để chất thải nguy hại, chất thải y tế; cải thiện môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, tăng cường năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu xây dựng thành phố trở thành “Thành phố môi trường”, “hướng đến Thành phố Sinh thái”; tăng cường huy động sự tham gia của các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiếp tục vận động, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân chung tay thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
- Thực hiện công tác quan trắc và đánh giá diễn biến chất lượng môi trường hàng năm để dự báo, cảnh báo các vấn đề môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tiếp tục cập nhật, xây dựng, triển khai chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường của thành phố trong giai đoạn mới; lồng ghép các mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và thân thiện môi trường.
7. Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Tổ chức quản lý, bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các các khu bảo tồn thiên nhiên của thành phố, ngăn ngừa và hạn chế tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra; tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, thực hiện nghiêm các chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng, giám sát phòng, chống cháy rừng gắn với các giải pháp nâng cao độ che phủ rừng đảm bảo ổn định 45-47%.
- Triển khai hiệu quả các chính sách bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, con vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững trên địa bàn thành phố, ứng dụng công nghệ và phương thức quản lý hiện đại phù hợp.
IV. Các giải pháp thực hiện
1. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI), Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
2. Tổ chức rà soát, tham mưu hoàn thiện các văn bản liên quan đến hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, đinh hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
3. Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Kế hoạch này, tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện tốt Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 56/KL-TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 31/07/2013, Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 17/2/2020 của Thành ủy Đà Nẵng và Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 04/3/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác dự báo, cảnh báo, đánh giá ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
5. Chủ động đề xuất các nghiên cứu, các hỗ trợ, hợp tác các bộ, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế nhằm đa dạng các nguồn lực; đẩy mạnh thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính từ trong và ngoài nước nhằm thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, cảnh báo sớm thiên tai, phòng chống rác thải nhựa đại dương,…/.