
Bờ biển bị xói lở (Ảnh: internet)
Đến nay, nước ta đã mô tả được khá chi tiết bức tranh xói lở bờ biển toàn quốc và đã sơ bộ lý giải được nguyên nhân, trong đó nguyên nhân ngoại sinh là quan trọng nhất. Tuy nhiên, để nghiên cứu sâu về cơ chế xói lở và mô phỏng được quá trình đó cho từng đoạn bờ cụ thể thì chỉ mới ứng dụng được cho một vài vùng. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam còn ở trình độ rất xa so với mức cần thiết trong lĩnh vực này. Một số công trình chống xói lở bờ biển đã được đầu tư thực hiện ở nhiều nơi, nhưng còn thiếu cơ sở khoa học và kết quả là công trình chưa phát huy hiệu quả đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho phòng tránh xói lở bờ biển là rất lớn, nên với nước ta, trong bối cảnh kinh tế đang phát triển thì việc ứng phó với xói lở bờ biển trở nên khó khăn hơn.
Qua thực tế thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật và triển khai các hoạt động phòng tránh thiên tai từ trung ương đến địa phương cho thấy, tính hiệu quả trong việc phân cấp giải quyết thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng ở nước ta. Hiện Việt Nam đang thực hiện phương châm “bốn tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” để phòng tránh thiên tai ở các địa phương. Trong Nguyên tắc chỉ đạo thứ 3 của Chiến lược Phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 172/2007/QĐ-TTg cũng nêu rõ: “Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Tuy nhiên, áp dụng phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là “phương tiện tại chỗ” và “hậu cần tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai đặc biệt là đối với xói lở bờ biển, vỡ đê đôi khi chưa thực sự khả thi, nhất là đối với vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và khi thiên tai xảy ra thường xuyên, quy mô lớn, địa bàn bị chia cắt nghiêm trọng.
Trong những năm qua, các tổ chức xã hội ở nước ta đã đóng góp quan trọng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai như: Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc; hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Việt Nam; đoàn thành niên cộng sản HCM; hội phụ nữ; các tổ chức phi chính phủ trong nước; doanh nghiệp...Ngoài ra, hàng loạt các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ cho các địa phương trong việc nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai ở các địa phương như: UNDP, DIPECHO, WB, ADB, AusAID, JICA, DANIDA…
Giải pháp phòng chống xói lở bờ biển hiện đang được sử dụng ở Việt Nam bao gồm 2 nhóm giải pháp chính: Giải pháp công trình và phi công trình.
Giải pháp công trình: Để tăng cường khả năng chống xói lở của bãi biển, người ta đã gia cố mặt bãi bằng các loại vật liệu thô như sỏi, cuội, cát thô hoặc trồng các loại cây ưa mặn, chịu sóng. Để làm giảm tốc độ của dòng chảy người ta đã thiết kế các hệ thống kè ngang (thường gọi là mỏ hàn hoặc bun). Về kết cấu của mỏ hàn có thể là đá hộc, rọ đá, bê tông, cọc gỗ, cọc thép, khối lục lăng đúc sẵn... Công trình loại này được dùng nhiều và cho kết quả khá tốt, ổn định được bãi biển.
Giải pháp phi công trình:Giải pháp phi công trình ở đây, trước hết là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về các tai biến của thiên tai và các nguyên nhân cơ bản (trong đó có tác nhân con người) gây xói lở, bồi tụ để họ có ý thức thực hiện nghiêm chỉnh các luật: Luật BVMT, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật TNN, Luật đê điều, Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai...
Vấn đề “Sống chung với bão - lũ, xói lở” ở hầu hết các tỉnh ven biển là vấn đề cần được quán triệt, trên cơ sở khoa học đúng đắn và có biện pháp giảm thiểu thích hợp. Mức độ thiệt hại do lũ lụt và xói lở không chỉ phụ thuộc vào các quá trình tai biến thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người trong vùng. Khả năng ứng xử, tự thích nghi cao thì thiệt hại ít.
Những hoạt động hỗ trợ và giải quyết xói lở bờ biển ở Việt Nam được thực hiện từ nguồn vốn trong các chương trình của chính phủ, địa phương, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Một số dự án đầu tư lớn đã được thực hiện trong những năm gần đây như sau:
Từ năm 1993-1998, cùng với sự giúp đỡ của Chương trình Lương thực thế giới và đầu tư của Nhà nước thông qua Dự án khôi phục và nâng cấp đê biển thuộc 5 tỉnh Bắc Bộ (PAM 5325) và 8 tỉnh Trung Bộ (PAM 4617) với mục tiêu trước mắt là trợ cấp lương thực, giải quyết việc làm cho các vùng nghèo đói thường bị thiên tai đe doạ, khôi phục và nâng cấp các tuyến đê ngăn mặn nhằm giảm thiệt hại do lũ, bão gây ra và mục tiêu lâu dài là tăng diện tích, tăng vụ và tăng năng suất, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội trong vùng được đê bảo vệ góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Có thể nói đây là dự án đầu tư lớn nhất, đạt được hiệu quả to lớn về mọi mặt, đặc biệt về mặt xã hội.
Trong chương trình phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định số: 58/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và Quyết định số: 667/2009/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp Hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Hiện chương trình này đã thực hiện được ở một số địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa... Tuy nhiên, tiến độ thực hiện rất chậm do thiếu vốn đầu tư.
Tất cả các địa phương ven biển khi xảy ra xói lở bờ biển đều chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp và năng lực hiện có, tuy nhiên do điều kiện kinh tế của hầu hết các địa phương ven biển còn hạn chế nên việc phòng chống đều mang tính chất tình thế. Nguồn kinh phí hằng năm cho phòng chống thiên tai được duyệt hằng năm của chính phủ thường không đủ để ứng phó khi thiên tai xảy ra, do vậy các địa phương phải huy động tối đa nhân lực và vật lực hiện có để phòng chống xói lở bờ biển. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng được đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc chống xói lở bờ biển, song cùng nhiều nơi đã bị thất bại do còn thiếu kiến thức và những nghiên cứu cơ bản về các quá trình thủy thạch động lực ven bờ.
Để giải quyết có hiệu quả vấn đề xói lở bờ biển, nước ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; điều chỉnh các chính sách về phát triển kinh tế có liên quan đến xói lở bờ biển nhằm thống nhất cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Cần có kế hoạch chi tiết về nguồn vốn giải quyết hiện trạng xói lở bờ biển và kế hoạch phòng tránh trong bối cảnh mực nước biển dâng; tập trung đào tạo cấp quốc gia và cấp địa phương đội ngũ chuyên trách về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng; nâng cao năng lực, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong vấn đề phòng tránh xói lở bờ biển, cửa sông; nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, dự báo khí tượng – hải văn; kỹ thuật công trình ven bờ biển cửa sông tại các trường đại học và các viện nghiên cứu làm công tác về phòng tránh thiên tai và xói lở bờ biển. Đặc biệt, tập trung vào nghiên cứu cơ bản; nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng dân cư vùng ven biển trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nói chung, xói lở bờ biển nói riêng.
Trong chiến lược phòng tránh thiên tai đến năm 2020 của chính phủ, nước ta đã quy định phương án đối phó với phương châm “bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Việc xây dựng năng lực quản lý thiên tai ở các địa phương sẽ giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc phòng tránh và ứng phó khi thiên tai xảy ra, giảm bớt được thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, việc xây dựng năng lực đối phó với xói lở bờ biển ở các địa phương là hết sức cần thiết.
Nguồn lực tài chính cho việc giải quyết xói lở bờ biển ở nước ta hiện nay rất hạn chế, chỉ đủ cho hoạt động khắc phục hậu quả trước mắt. Mặc dù có nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng thực tế kinh phí phòng chống thiên tai chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp hằng năm cho các địa phương và ngân sách dự phòng của các địa phương.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay ở nước ta, nguồn kinh phí hằng năm chi cho giải quyết xói lở bờ biển ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được đầy đủ và kịp thời, đặc biệt các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng trong bối cảnh BĐKH và mực nước biển dâng. Ngay cả đối với Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tại 2 Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg, và số 667/2009/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đang thiếu vốn để thực hiện.
Để tiến hành phòng chống có hiệu quả thiên tai xói lở bờ biển cần tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp từ tầm vĩ mô đến vi mô, cả trực tiếp và gián tiếp, cả giải pháp công trình và phi công trình, phù hợp với từng đoạn bờ, cửa sông cụ thể. Cần coi trọng giải pháp phi công trình, trước hết là tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về các tai biến của thiên tai và các nguyên nhân cơ bản trong đó có cả tác nhân con người để họ có ý thức được việc thực hiện tốt các luật: Luật đê điều, Luật BVMT, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật TNN...
Cần sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Cần sớm xây dựng chiến lược phòng chống xói lở bờ biển cửa sông trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Đưa nội dung xói lở bờ biển cửa sông trong tổ chức lãnh thổ và quy hoạch phát triển vùng, xác định các giải pháp, phương án ứng xử thích hợp. Trong quy hoạch phát triển KT - XH dải ven biển cần thiết phải tính đến vấn đề xói lở bờ biển cửa sông. Điều chỉnh các chính sách về phát triển kinh tế có liên quan đến xói lở bờ biển
Cần sớm xác lập phương án bảo vệ đê, kè, bờ biển cho từng đoạn bờ cụ thể, trên cơ sở xác định được nguyên nhân và cơ chế xói lở. Tăng cường cơ sở pháp lý, quy hoạch bảo vệ bờ biển, chống khai thác tài nguyên bừa bãi ở dải ven biển. Các dự án đầu tư ven biển, đặc biệt là các công trình dân sinh kinh tế, kể cả việc đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản, các đập chứa nước ở thượng nguồn sông... nhất thiết phải có đánh giá tác động môi trường.
Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu áp dụng các giải pháp phòng chống xói lở hiện đại của thế giới, đồng thời xây dựng được các giải pháp phù hợp với điều kiện KT - XH của Việt Nam và các địa phương. Trước mắt, cần thiết lập vành đai xói lở làm chỉ giới cho quy hoạch phát triển các tụ điểm dân cư, các công trình dân sinh kinh tế. Các khu vực xói lở nghiêm trọng được cảnh báo tiếp tục xói lở trong tương lai cần được khoanh vi, cắm mốc chỉ giới và phổ biến kịp thời cho mọi người dân nằm trong vành đai xói lở nhằm bố trí hợp lý các tụ điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế, tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm bằng hình thức như di dời vĩnh viễn theo quy hoạch, di dời tạm thời khi có cảnh báo và di dời khẩn cấp khi có cấp báo.
Cần xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát định kỳ hiện tượng xói lở - bồi tụ để thông báo kịp thời đến người dân, thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS) kiểm soát kết mạng giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và cộng đồng dân cư. Trên cơ sở Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Chính phủ, tiến hành phối hợp với các chương trình biến đổi khí hậu, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình cải tạo và nâng cấp đê kè ven biển cửa sông, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ..., hợp tác và phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng ở trung ương và địa phương.
Xói lở bờ biển cửa sông chỉ nên can thiệp bằng giải pháp công trình trong các trường hợp thật sự cần thiết. Trong trường hợp phải dùng biện pháp công trình thì nhất thiết phải dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn để không gây xói lở và phá vỡ hệ sinh thái của các bờ vùng lân cận. Đối với vùng trọng điểm trên cơ sở nghiên cứu kỹ các nguyên nhân và cơ chế xói lở, bồi tụ, đưa ra các kiến nghị biện pháp công trình cụ thể phù hợp với đặc điểm từng vùng. Công trình chống xói lở bờ biển cần ưu tiên giải pháp bảo vệ bãi, tăng khả năng chống xói lở của bãi và làm giảm tốc độ dòng ven bờ. Cần được áp dụng thử nghiệm đối với các vùng đó. Ngoài ra, nhiều đoạn bờ nên kết hợp cả hai giải pháp: Công trình và phi công trình nhằm giảm chi phí đầu tư và phát triển bền vững hệ sinh thái ven bờ.
Theo TS. Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải Văn - www.vasi.gov.v